Dầu ăn được tinh lọc từ nguồn gốc thực vật hoặc động vật, tồn tại ở thể lỏng trong môi trường bình thường. Có khá nhiều loại dầu được xếp vào loại dầu ăn được gồm: dầu ô liu, dầu cọ, dầu nành, dầu canola, dầu hạt bí ngô, dầu bắp, dầu hạt hướng dương, dầu cây rum, dầu lạc, dầu hạt nho, dầu vừng, dầu argan và dầu cám gạo, mỡ lợn/heo, bơ sữa bò trâu. Nhiều loại dầu ăn cũng được dùng để nấu ăn và bôi trơn.
Mức tiêu thụ trong năm 2011 là 700 ngàn tấn và tăng đến mức 780 ngàn tấn vào năm 2013, tương đương 8,7 kg/người/năm. Tính đến hết năm 2015, mức tiêu thụ sẽ đạt 850 ngàn tấn. Ngành dầu ăn góp phần không nhỏ vào cơ cấu ngành thực phẩm tiêu dùng (29%), chỉ đứng sau ngành mì ăn liền. Nguồn nguyên liệu dầu cọ toàn bộ được nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia. Trong năm 2013, trị giá xuất khẩu dầu thực vật của Việt Nam đạt 153 triệu USD, trong đó 48% là dầu nành thô.
Tính đến giữa năm 2015 trên thị trường đã có 37 doanh nghiệp dầu ăn của Việt Nam. Tuy vậy, các doanh nghiệp nội địa chỉ có thể sản xuất dầu nành, dầu đậu phộng và dầu mè trong khi dầu cọ chiếm 60% nhu cầu thị trường lại phải nhập khẩu.
Thị trường dầu ăn Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn bởi sự cạnh tranh khốc liệt do sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu dầu ăn nước ngoài. Có thể kể đến như dầu ăn Cánh Buồm từ Singapore, dầu ăn Omely sản xuất ở Indonesia, thương hiệu Cook đến từ Thái Lan hay Capri được đóng chai tại Canada, Mỹ. Ngoài cạnh tranh về chất lượng và thương hiệu, các công ty nội địa còn phải đối mặt với việc chênh lệch giá cả khi các doanh nghiệp ngoại đang hưởng ưu thế giảm thuế suất từ Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đến năm 2017 thì sự bảo hộ thuế sẽ không còn và ngành sản xuất dầu ăn sẽ rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu nước ngoài đặc biệt là TPP.
Hình 1: Quy trình sản xuất dầu thực vật
Hình 2: Công nghệ xử lý nước thải sản xuất dầu ăn
Nước thải theo hệ thống thu gom dẫn qua song chắn rác nhằm loại bỏ các chất rác có kích thước lớn. Sau khi tách rác, nước thải chảy về bể điều hòa.
Tại bể điều hòa, máy thổi khí sẽ hoạt động liên tục để xáo trộn nước thải tránh hiện tượng lắng cặn, mùi khó chịu, và ngoài ra còn có nhiệm vụ điều hòa lưu lượng và nồng độ ô nhiễm trong nước thải.
Từ bể điều hòa nước thải sẽ được bơm lên bể tuyển nổi DAF để tách cặn lơ lửng và dầu mỡ. Do đặc thù nước thải của sản xuất dầu ăn có lượng lớn dầu tồn tại ở cả 2 dạng : cặn lơ lửng và dạng huyền phù nên lượng dầu này không thể tách ra khỏi nước thải bằng phương pháp lắng thông thường. Do đó, DAF là phương pháp tối ưu nhất.
Sau khi qua bể tuyển nổi DAF nước thải được bơm vào bể USAB. Trong bể kỵ khí UASB, các vi sinh vật kỵ khí sẽ phân hủy các chất hữu cơ có trong nước thải thành các chất vô cơ ở dạng đơn giản và khí Biogas (CO2, CH4, H2S, NH3,,,), theo phản ứng sau:
Chất hữu cơ + vi sinh vật kỵ khí => CO2 + CH4 + H2S + Sinh khối mới +,,,
Sau khi qua bể xử lí kỵ khí, nồng độ các chất hữu cơ và các chất ô nhiễm vẫn còn cao hơn tiêu chuẩn xả thải của nguồn tiếp nhận nên nước thải cần được xử lí sinh học ở cấp bậc cao hơn.
Từ bể UASB nước thải được dẫn qua cụm bể anoxic kết hợp aerotank nhằm xử lý: BOD, nitrat hóa, khử ion NH4+ và khử ion NO3-thành khí N2. Bể bùn hoạt tính xử lí kết hợp quá trình xử lí thiếu khí đan xen hiếu khí sẽ tận dụng được hàm lượng cacbon khi khử BOD, nên không cần cung cấp thêm lượng C khi cần khử nitrat, tiết kiệm được 1/2 lượng oxy khi nitrat hóa khử ion NH4+ do tận dụng lượng oxy từ quá trình khử NO3-.
Sau các công trình xử lý sinh học, nước thải tràn qua bể lắng để lắng bùn sinh học. Trong bể lắng bùn nước thải di chuyển bên trong ống trung tâm xuống đáy bể tiếp đó di chuyển ngược từ dưới lên trên, chảy vào máng thu rồi tràn sang bể khử trùng. Phần bùn lắng xuống đáy bể một phần được tuần hoàn lại bể sinh học thiếu khí và hiếu khí để duy trì nồng độ bùn trong bể, phần bùn dư sẽ được bơm vào bể chứa bùn.
Sau đó nước thải được bơm qua bể khử trùng bằng Javen . Dưới tác dụng của tác nhân oxy hóa mạnh, các vi sinh vật trong nước thải sẽ bị tiêu diệt, đảm bảo nước thải đạt tiêu chuẩn về mặt vi sinh.
Cuối cùng nước thải được bơm vào bồn lọc áp lực nhằm loại hết hàm lượng cặn còn sót lại , đảm bảo độ trong cần thiết trước khi đưa vào nguồn tiếp nhận.
Nước thải sản xuất dầu ăn sau sẽ xử lý đảm bảo quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT xả vào nguồn tiếp nhận.