Tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản về công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái
26/12/2018 22:12:57
​Phía Việt Nam có sự tham dự của ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Phía Nhật Bản có ông Hajime Bada, Chủ tịch Uỷ ban cố vấn Năng suất xanh Nhật Bản cùng các đại biểu từ các nhà triển lãm Nhật Bản.

Chiều 11/5, tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội chợ EPIF 2017 đã diễn ra Buổi gặp mặt trao đổi, thảo luận về hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản về công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái.

​Phía Việt Nam có sự tham dự của ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Phía Nhật Bản có ông Hajime Bada, Chủ tịch Uỷ ban cố vấn Năng suất xanh Nhật Bản cùng các đại biểu từ các nhà triển lãm Nhật Bản.


Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu (giữa)

Phát biểu tại Buổi gặp mặt, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã nhấn mạnh nội dung trao đổi, hợp tác giữa hai bên tập trung vào các nội dung: những chính sách của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái; trao đổi thông tin về các nhu cầu đầu tư của Việt Nam - Nhật Bản về công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái; tăng cường xúc tiến hợp tác thương mại, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp của  Việt Nam và Nhật Bản.

Cũng tại Buổi trao đổi, ông Hồ Kiên Trung, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường đã có bài tham luận về hiện trạng môi trường tại Việt Nam. Theo tham luận, môi trường nước ta chịu nhiều sức ép từ gia tăng dân số, đô thị hoá nhanh, công nghiệp hoá mạnh, gia tăng sản xuất nông nghiệp, cường độ khai thác tài nguyên,... Hàng năm có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cả nước hiện có 795 đô thị, 283 khu công nghiệp, 615 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 5.000 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế, hơn 2 triệu ô tô, 40 triệu xe gắn máy, hơn 36 triệu gia súc, gia cầm, hơn 1 triệu ha nuôi trồng thuỷ sản,... Hàng ngày phát sinh hơn 3.000.000 m3 nước thải sinh hoạt, 550.000 m3 nước thải công nghiệp, 125.000 m3 nước thải y tế. Hàng năm phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại. Mỗi năm, sử dụng hơn 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật, trong đó có 80% sử dụng sai mục đích, không đúng kỹ thuật, 50% - 70% không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường; phát sinh 76 triệu tấn rơm rạ, 85 - 90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 80 triệu tấn khí thải.  Mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại, tuy nhiên, còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết, xử lý, cụ thể như: vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp; nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường; chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh; nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý; rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường;…


Toàn cảnh Buổi gặp mặt

Đại diện một số doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu ý kiến mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ giá điện đối với các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải thành điện năng; giảm thiểu tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm không khí,…

Liên quan đến một số nội dung các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, hiện nay Việt Nam rất thiếu công nghệ môi trường, nhất là công nghệ xử lý tro xỉ; công nghệ môi trường xử lý ao, hồ; công nghệ xử lý trong nông nghiệp và công nghệ phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản,… do đó đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản nào đủ điều kiện cùng tham gia đầu tư.

“Sau buổi gặp này, nếu các doanh nghiệp Nhật Bản có mong muốn hợp tác về công nghệ môi trường sẽ được Trung tâm Tư vấn công nghệ môi trường, Tổng cục Môi trường làm đầu mối hỗ trợ” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng nhấn mạnh.

Kết thúc Buổi thảo luận, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã đánh giá cao tinh thần hợp tác đầu tư, cũng như công nghệ kỹ thuật, các sản phẩm thân thiện môi trường của Nhật Bản mà Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn. Nhận thức rất rõ hiểm họa môi trường đối với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Việt Nam đã tham gia rất tích cực và trách nhiệm với cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam đã và đang hoàn thiện các chính sách ưu đãi phù hợp về đất đai, thuế, vốn vay để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển các công nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường, không phân biệt doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài.

“Nhật Bản là quốc gia có trình độ công nghệ xử lý môi trường tiên tiến, do đó rất mong các bạn tiếp tục tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân kết luận.

Hình ảnh

Liên kết