Hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường
17/12/2018 15:46:00
(HNM) - Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường bền vững là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên của Thủ đô.

Để có dữ liệu phục vụ việc này, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tập trung hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường theo chỉ đạo của UBND thành phố. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định.
 

 

Thu thập dữ liệu tại trạm quan trắc chất lượng không khí đặt tại Trung Yên 3 (phường Yên Hòa, Cầu Giấy).


- Xin ông cho biết hiệu quả hoạt động của các trạm quan trắc hiện có trên địa bàn thành phố?

- Hiện trên địa bàn thành phố có 10 trạm quan trắc không khí, 6 trạm quan trắc nước mặt và nước ngầm đang vận hành ổn định, liên tục 24/24 giờ. Kết quả quan trắc tương đối chính xác, là cơ sở cho việc đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường và cảnh báo sớm ô nhiễm. Từ số liệu thu thập, tổng hợp, thành phố đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả và kịp thời; xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Ông có thể nói rõ hơn việc khai thác, sử dụng số liệu quan trắc này ra sao?

- Qua việc phân tích số liệu quan trắc, hằng tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều báo cáo UBND thành phố về diễn biến chất lượng không khí và nước mặt trên địa bàn thành phố, từ đó đề xuất kịp thời các giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các đơn vị có phát sinh nguồn xả thải lớn trên 1.000m3/ngày - đêm lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường (theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu). Sở cũng tiến hành rà soát, thống kê và lập danh sách 29 đơn vị phải lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động và hiện có 22 đơn vị đã thực hiện việc này. 

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố để phục vụ các công tác, nhiệm vụ liên quan. Bên cạnh đó, kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí của Thủ đô được công bố công khai để người dân và các tổ chức theo dõi hằng ngày.

- Thủ đô Hà Nội có diện tích lớn, dân số đông, liệu số lượng các trạm quan trắc hiện có đã cung cấp được những thông tin khách quan về môi trường? Trong thời gian tới Hà Nội có đầu tư thêm các trạm quan trắc?

- 10 trạm quan trắc không khí và 6 trạm quan trắc nước mặt, nước ngầm hiện có là con số nhỏ, nên kết quả quan trắc chưa thể phản ánh đầy đủ, chính xác hiện trạng môi trường của Hà Nội. Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành tham mưu, báo cáo thành phố công tác chuẩn bị đầu tư dự án tổng thể quan trắc môi trường. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, đề xuất trong giai đoạn 2019-2021, tiếp tục tập trung đầu tư 33 trạm quan trắc không khí, 12 trạm quan trắc nước mặt và nước ngầm; nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo ô nhiễm môi trường không khí và nước mặt, xác định nguồn ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm.

- Việc quản lý, vận hành, khai thác như thế nào để bảo đảm hiệu quả đầu tư, thưa ông?

- Chúng tôi dự kiến phối hợp với các cơ quan tư vấn quốc tế để họ giúp thành phố xây dựng kế hoạch và lộ trình giải quyết ô nhiễm môi trường; thành lập trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường bảo đảm tiếp nhận toàn bộ dữ liệu các trạm quan trắc tự động liên tục. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng sẽ đánh giá, kiểm kê các nguồn phát thải chính và đề xuất các giải pháp giảm thiểu, hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách về kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Mai (thực hiện)

Hình ảnh

Liên kết