Ông Đặng Hữu Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh (TN&MT), cho hay: Quan trắc tự động, liên tục là một trong những hoạt động nhằm hiện đại hóa công tác quan trắc môi trường; là cơ sở đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường liên tục theo thời gian và không gian, qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước về BVMT có cảnh báo kịp thời, đề xuất các biện pháp phù hợp để quản lý và BVMT...
Quan trọng là thế nhưng đến nay, Hà Tĩnh mới chỉ có 3 đơn vị được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Đó là: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa); Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng.
“Trước yêu cầu bảo vệ môi trường, kịp thời phát hiện các vấn đề về môi trường xấu có thể xẩy ra, thời gian tới, công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh sẽ được tập trung, đẩy mạnh...”, ông Bình cho biết.
Theo đó, cùng với hình thức quan trắc thu mẫu và phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm, việc xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục là một công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng các số liệu quan trắc, tạo ra sự đồng bộ, liên tục về dữ liệu môi trường. Các trạm quan trắc tự động, liên tục có thể cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường, hay các nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường...
Trạm quan trắc theo dõi nước thải trước khi đổ ra biển đặt tại Trung tâm Quan trắc TN&MT Hà Tĩnh.
8 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục đặt ở đâu?
Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Hà Tĩnh Lê Anh Đức, cho biết, theo Đề án điều chỉnh quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2319/QĐ-UBND, ngày 16/8/2017, đến nay, sau nhiều nỗ lực của các bên liên quan, công tác khảo sát, bố trí mặt bằng lắp đặt 8 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục đã được thống nhất lựa chọn:
Thứ nhất là, trạm quan trắc tự động môi trường nước biển, tại Mũi Lố, Cửa Sót, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà: Nhằm giám sát nước biển sau khi tiếp nhận nguồn nước thải từ sông Cửa Sót và chất lượng nước biển từ phía Bắc Hà Tĩnh vào, Nam Hà Tĩnh ra;
Thứ hai là, trạm quan trắc tự động môi trường nước biển, tại Mũi Dung, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh: Nhằm giám sát chất lượng nước biển sau khi tiếp nhận nguồn nước thải từ các dự án trong khu vực;
Thứ ba là, trạm quan trắc tự động môi trường nước biển, tại khuôn viên Hải đội 2, BĐBP Hà Tĩnh, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh: Nhằm giám sát chất lượng nước biển từ hướng Bắc vào và hướng Nam ra;
Thứ tư là, trạm quan trắc tự động môi trường không khí, tại nhà Văn hóa tổ dân phố Hồng Sơn, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh: Đây là khu vực dân cư phía Nam Công ty Formosa, chịu ảnh hưởng của khói bụi từ hoạt động của đơn vị này và nhiều công ty, đơn vị khác sau này, theo quy hoạch của KKT Vũng Áng;
Thứ năm là, trạm quan trắc tự động môi trường không khí, tại nhà văn hóa tổ dân phố Liên Giang, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh: Nhằm giám sát môi trường không khí khu vực dân cư phía Tây Công ty Formosa;
Một trong 24 trạm quan trắc tự động khí thải và nước thải được lắp đặt tại Công ty Formossa Hà Tĩnh.
Thứ sáu là, trạm quan trắc tự động môi trường không khí, trong khuôn viên Đội cảnh sát PCCC&CNCH Vũng Áng, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh: Đây là nơi tập trung dân cư thuộc phường Kỳ Thịnh, cách Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 khoảng 6 km, cách công ty Formosa khoảng 5 km. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng về khói bụi từ các dự án của KKT Vũng Áng;
Thứ bảy là, trạm quan trắc tự động môi trường không khí, trong khuôn viên UBND phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh: Nhằm giám sát môi trường không khí khu vực dân cư phía Tây Nam Công ty Formosa;
Và cuối cùng là trạm quan trắc tự động môi trường không khí, trong khuôn viên Trạm Y tế xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh: Nhằm giám sát chất lượng môi trường không khí, tại khu vực tập trung dân cư xã Kỳ Hà (khu vực nằm phía Bắc KKT Vũng Áng), chịu tác động của cá nhà máy thuộc KKT Vũng Áng.