Triển khai ngay các giải pháp cải thiện ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn
29/12/2019 13:13:00
Chiều 19/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi họp với các Bộ, ngành và thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh về các giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn. Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đại diện của Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Y tế UBND và TP.HCM.

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết trong thời gian qua, tùy từng thời kỳ và giai đoạn mà tình trạng ô nhiễm không khí tại 02 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh có thời điểm đã vượt quá ngưỡng quy định, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đây là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành hết sức quan tâm. Dù các cấp quản lý đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình, nhưng diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng, do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp, trao đổi, thảo luận tình hình thực hiện quyết định của Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025. Đồng thời, mong muốn phối hợp xác định nguyên nhân và đưa ra các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn. 

 “Chúng ta cần xác định được rõ ràng nguyên nhân, đánh giá chính xác tình hình, thực trạng và chúng ta có trách nhiệm cung cấp một cách chính xác, khoa học để nhân dân được biết”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. 

Tại cuộc họp, đại diện UBNP thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Tổng cục Môi trường…đã phát biểu đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, các nguyên nhân, biện pháp đã thực hiện và giải pháp trong thời gian tới. 

Tổng hợp những ý kiến đánh giá về tình trạng ô nhiễm và nguyên nhân gây ô nhiễm thời gian vừa qua từ đại diện của UBND Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thống nhất với các ý kiến và kết luận như sau: 

Về tình hình ô nhiễm môi trường không khí: Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn có giá trị đạt QCVN 05:2013/BTNMT. Qua theo dõi diễn biến từ năm 2010 đến nay cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 tại trạm quốc gia đặt tại 556 Nguyễn Văn Cừ có xu hướng giảm từ năm 2013 đến 2017. Từ 2018 đến 2019 nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng hơn so với 2017. So sánh kết quả quan trắc nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua các năm từ 2013 – 2019 cho thấy, từ tháng 9 đến giữa tháng 12/2019, nồng độ bụi PM2.5 tăng mạnh so với các tháng trước đó và tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018. Đặc biệt, tại Hà Nội, từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2019 các đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội có xu hướng gia tăng, liên tiếp trong nhiều ngày giá trị trung bình 24h của bụi PM2.5 vượt QCVN từ 2-3 lần. Thông thường nồng độ bụi PM2.5 tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm buổi sáng (từ 7-8 giờ) và chiều (18-19 giờ), giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa (13-14 giờ) và ban đêm (23 giờ - 1 giờ). Tuy nhiên, trong những ngày xảy ra ô nhiễm không khí thì khoảng thời gian ghi nhận giá trị Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng và duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm, do ảnh hưởng bởi yêú tố thời tiết (lặng gió, độ ẩm thấp kết hợp với nghịch nhiệt). Sau đó, khi nhiệt độ trong ngày bắt đầu tăng, AQI giảm dần và thường thấp nhất vào khoảng 15-18 giờ. 

Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở hai thành phố lớn, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, qua cuộc họp bước đầu đã chỉ ra được những nguyên và từ đó có căn cứ để đưa ra những giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài. Thứ nhất đó là phương tiện giao thông tăng cao, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn. Theo thống kê, ở Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô. Năm 2019 số lượng phương tiện giao thông tăng 15% so với những năm trước. Con số phương tiện giao thông ở TPHCM cũng rất lớn với 7,5 triệu xe máy… Chưa kể số lượng phương tiện giao thông di chuyển qua hai thành phố này cũng rất lớn, đó là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất. 

Nguyên nhân thứ hai là từ các hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1 nghìn công trình đang xây dựng, TPHCM cũng đang có mật độ xây dựng cũng rất lớn, vấn đề này đã biến hai thành phố trở thành đại công trường, đó là tác nhân gây ô nhiễm rất lớn.  

Thứ ba là do số lượng các nhà máy ven thành phố đang tăng nhanh, gây áp lực lớn lên môi trường xung quanh, trong đó ở TPHCM còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công cũng gây ô nhiễm.  

Ngoài ra, ở Hà Nội có một số nguyên nhân đặc thù khác, đó là vấn đề đốt rơm rạ, đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong. Cộng với việc đốt rác thải không đúng quy định ở ngoại thành Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.

Nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường không khí tới sức khỏe, đời sống của người dân cũng như tới quá trình phát triển bền vững, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, bảo vệ môi trường không khí. Ngày 01/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 985a/QĐ-TTg ngày phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh. Ban hành quy định trách nhiệm và một số biện pháp quản lý chất lượng không khí trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Xây dựng, triển khai một số quy định, quy chuẩn, lộ trình thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng. Các địa phương cũng đã cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại địa phương. 

Để kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt: Tăng cường và duy trì công tác quan trắc chất lượng môi trường không khí không chỉ ở hai Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà ở các thành phố lớn để từ đó đánh giá chính xác chất lượng môi trường không khí, công bố công khai cho người dân được biết. Nếu chất lượng môi trường không khí chạm hoặc vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép phải có thông báo trên các phương tiện thông tin để người dân nắm được và khuyến cáo có những biện pháp bảo vệ thích hợp. 

Song song với vấn đề quan trắc, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là khói bụi từ các phương tiện giao thông, do vậy Bộ trưởng đề nghị trong những ngày chất lượng môi trường không khí có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân thì chính quyền, UBND thành phố cần có các biện pháp cụ thể như phun nước, điều tiết các luồng giao thông và cảnh báo các phương tiện cá nhân tham gia giao thông không được đi vào những khu đông dân cư, chỉ ưu tiên các phương tiện giao thông công cộng; các phương tiện giao thông đi qua hai thành phố lớn trước khi vào cần phân luồng và có các biện pháp loại bỏ bụi bẩn…

Vấn đề xây dựng tại khu vực nội thành, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để đưa ra những văn bản quy định bảo vệ môi trường để giải thiểu vấn đề ô nhiễm không khí do xây dựng gây ra. 

Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị UBND các thành phố cần có những chính sách hỗ trợ người dân để hạn chế sử dụng bếp than tổ ong và mục tiêu đến năm 2021 Hà Nội không sử dụng loại này trong sinh hoạt hàng ngày; hỗ trợ bà con sau thu hoạch để không đốt rơm rạ; kiểm tra và giám sát những khu vực đốt rác thải, chất thải… 

Về lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, bên cạnh tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí, cần đẩy nhanh lộ trình đưa ra quy chuẩn đối với khí thải giao thông. Đối với các phương tiện giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải kiểm soát cao hơn các địa phương khác và phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Đồng thời, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cần thực hiện các biện pháp tăng cường đầu tư cho các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng năng lượng tái tạo để giữ cho môi trường trong sạch; có lộ trình để tái cấu trúc lại một số ngành sử dụng năng lượng hoá thạch, quy hoạch lại điện năng để đưa năng lượng tái tạo, điện khí thay thế các nguồn năng lượng cũ theo đúng với xu hướng thế giới hiện nay; rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị; trồng nhiều cây xanh tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh để bảo vệ môi trường không khí./.

 

Toàn cảnh buổi họp

Liên kết