Triển khai chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
09/06/2022 15:50:00
Triển khai chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Nội dung Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành theo Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT được cấu trúc thành hai nhóm: (I) Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT, với 04 nhóm tiêu chí, 11 tiêu chí thành phần, 26 chỉ số đánh giá; (II) Đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, với 04 nhóm tiêu chí, 01 chỉ số đánh giá.

Từ kinh nghiệm trong việc thu thập, tổng hợp thông tin, số liệu đánh giá của các địa phương được thực hiện cho năm 2020 và quy định của Luật BVMT năm 2020, nội dung đánh giá các chỉ số thành phần nhóm I của Bộ chỉ số năm 2021 được thiết kế bảo đảm phù hợp, sát với thực tiễn hơn theo hướng không đề nghị địa phương đánh giá đối với 04 chỉ số không còn được quy định trong Luật BVMT 2020 và có tính chất thời điểm (các chỉ số địa phương không tự đánh giá cho năm 2021 gồm: tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; số lượng sự cố môi trường do chất thải gây ra; tỷ lệ các cơ quan nhà nước, đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện, các siêu thị, khu du lịch đã có quy định, cam kết, kế hoạch triển khai về chống rác thải nhựa; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh). 

Nội dung đánh giá Bộ chỉ số cho năm 2021 cụ thể như sau:

Nội dung đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT (Nhóm I)

Nội dung đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT (nhóm I) được xác định, cấu trúc thành 04 nhóm mục tiêu, 11 nhóm chính sách và 22 chỉ số thành phần, trong đó: mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ chất lượng môi trường sống có 4 nhóm chính sách và 13 chỉ số thành phần; mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ sức sống hệ sinh thái có 2 nhóm chính sách và 3 chỉ số thành phần; nhiệm vụ, mục tiêu về bảo vệ hệ thống khí hậu có 1 nhóm chính sách và 1 chỉ số thành phần; nhiệm vụ, mục tiêu về tăng cường năng lực quản lý nhà nước về BVMT có 4 nhóm chính sách và 5 chỉ số thành phần.

22 chỉ số thành phần nhóm I được đánh giá, xác định cho năm 2022 bao gồm: Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày (24 giờ) trở lên có công trình, thiết bị, hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Tỷ lệ bệnh viện, trung tâm y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Số lượng phương tiện giao thông công cộng trên 10.000 dân đô thị; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT; Tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; Tỷ lệ số khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo; Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; Tỷ lệ diện tích đất của các khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập trên tổng diện tích đất quy hoạch cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Tỷ lệ diện tích rừng trồng mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch phát triển rừng; Diện tích rừng tự nhiên bị cháy, chặt phá; Sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo; Số trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân đô thị; Tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT tỉnh/thành phố theo quy định của pháp luật; Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp BVMT; Số lượng công chức, cán bộ thực hiện nhiệm vụ BVMT trên 1 triệu dân; Tỷ lệ số vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng đã được xử lý.

Nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống (Nhóm II)

Nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống được thể hiện thông qua việc đánh giá mức độ cảm nhận, sự hài lòng của người dân đối với 08 tiêu chí/vấn đề về chất lượng môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, bao gồm: (1) Chất lượng môi trường nước mặt tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch… tại nơi sinh sống; (2) Chất lượng nước dùng cho sinh hoạt tại nơi sinh sống; (3) Chất lượng môi trường không khí tại nơi sinh sống; (4) Mức độ bảo đảm về tiếng ồn, độ rung tại nơi sinh sống; (5) Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nơi sinh sống; (6) Thu gom, xử lý nước thải tại nơi sinh sống; (7) Hệ thống cây xanh, khu vui chơi giải trí công cộng/danh lam thắng cảnh, cảnh đẹp thiên nhiên tại nơi sinh sống; (8) Sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với vấn đề BVMT tại nơi sinh sống. Kết quả đánh giá các tiêu chí này được thể hiện qua chỉ số thành phần về “Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chất lượng môi trường sống” (Chỉ số nhóm II).

Việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống theo các tiêu chí nêu trên được thực hiện bằng hình thức điều tra xã hội học thông qua Phiếu điều tra đối với các địa phương trên phạm vi cả nước. Nội dung Phiếu điều tra xã hội học gồm các câu hỏi có sẵn phương án trả lời để đối tượng điều tra lựa chọn.

Đối tượng, phương pháp đánh giá, xác định Bộ chỉ số

Đối tượng đánh giá của Bộ chỉ số là việc thực hiện công tác BVMT của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc đánh giá, xếp hạng kết quả BVMT của các địa phương được thực hiện bằng Biểu đồ thức tính điểm thông qua Chỉ số đánh giá kết quả BVMT cấp tỉnh, viết tắt là PEP INDEX (Provincial Environmental Protection Index).

Chỉ số PEP INDEX có số điểm tối đa là 100 điểm, được xác định từ số điểm đạt được của các chỉ số thành phần và trọng số của Bộ chỉ số theo công thức sau: PEP INDEX = ∑ Di.Wi = PEP­I + PEP­II

Trong đó:

i là các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số (i = 1 đến 23).

Di là điểm đạt được của chỉ số thành phần i.

Wi là trọng số của chỉ số thành phần i; ∑wi = 1.

PEP­I là số điểm đạt được của các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường (điểm đạt được của các chỉ số nhóm I); có số điểm tối đa là 70 điểm.

PEP­II là số điểm đạt được của chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống (điểm đạt được của chỉ số nhóm II); có số điểm tối đa là 30 điểm.

Điểm đạt được của từng chỉ số thành phần được xác định căn cứ vào kết quả thực hiện chỉ số thành phần của mỗi địa phương, kết quả thực hiện cao nhất trong số các địa phương và điểm tối đa của chỉ số thành phần đó. Mỗi chỉ số thành phần có số điểm tối đa là 100 điểm.

Cách tính điểm đạt được của từng chỉ số thành phần; Trọng số của các tiêu chí, chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số (trọng số của Bộ chỉ số) được xác định căn cứ vào mức độ ưu tiên, tầm quan trọng của các tiêu chí, chỉ số thành phần đối với kết quả bảo vệ môi trường và được quy định được quy định cụ thể tại phần phụ lục của “Tài liệu hướng dẫn tự đánh giá kết quả thực hiện các chỉ số nhóm I Bộ chỉ số năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Quy trình đánh giá gồm: (i) Tự đánh giá của địa phương: các tỉnh/thành phố tự tổ chức thu thập, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT theo các chỉ số nhóm I quy định trong Bộ chỉ số và theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. (ii) Đánh giá thông qua điều tra xã hội học: Bộ TN&MT đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (TWMTTQ) Việt Nam hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức thực hiện điều tra xã hội học thông qua Phiếu điều tra để đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống đối với toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước. (iii) Thẩm định kết quả tự đánh giá của các địa phương: Được thực hiện theo 02 bước: (1) Rà soát hồ sơ tự đánh giá của các địa phương theo quy định và tài liệu hướng dẫn của Bộ TN&MT và đối chiếu với các thông tin, báo cáo quản lý nhà nước của Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Giao Thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế) do Cơ quan Thường trực Hội đồng thực hiện để đánh giá tính chính xác, mức độ tin cậy của kết quả tự đánh giá của các địa phương; (2) Tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá của các tỉnh/thành phố và kết quả tổng hợp Phiếu điều tra xã hội học bởi Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ trưởng Bộ TN&MT thành lập. (iv) Phê duyệt và công bố kết quả Bộ chỉ số: Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành, Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt kết quả thực hiện Bộ chỉ số của các địa phương và Bộ TN&MT công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số dự kiến vào dịp tổ chức Ngày Môi trường thế giới hàng năm (05/6).

Chỉ số đánh giá kết quả BVMT của tỉnh (viết tắt là PEP INDEX  - Provincial Environmental Protection Index) được xác định từ số điểm đạt được của các chỉ số thành phần có tính đến trọng số Bộ chỉ số. Chỉ số PEPI có số điểm tối đa là 100 điểm.

Công tác tự đánh giá của các tỉnh/thành phố năm 2021

Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 8103/BTNMT-TCMT ngày 30/12/2021 gửi các địa phương hướng dẫn chi tiết việc đánh giá và yêu cầu thời hạn gửi kết quả đánh giá về Bộ trước ngày 15/02/2022; tiếp tục có Công văn số 1096/BTNMT-TCMT ngày 04/3/2022 đôn đốc các địa phương chưa gửi hoặc gửi không đúng thẩm quyền khẩn trương gửi hồ sơ tự đánh giá về Bộ trước ngày 10/3/2022.

Tính đến ngày 15/3/2022, toàn bộ 63/63 địa phương đã gửi hồ sơ về Bộ theo thẩm quyền. Qua rà soát, tổng hợp hồ sơ các địa phương gửi về, cho thấy việc thực hiện tự đánh giá các chỉ số nhóm I Bộ chỉ số của các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực so với năm đầu thực hiện là năm 2020. Các địa phương đã cơ bản thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ; điền đầy đủ thông tin, biểu mẫu theo yêu cầu. Mặc dù còn có một số địa phương gửi muộn so với thời hạn, tuy nhiên số lượng địa phương gửi báo cáo đúng hạn và số lượng địa phương ký báo cáo theo đúng thẩm quyền cũng tăng so với năm trước. Đây cũng là thuận lợi trong quá trình thẩm tra, đánh giá số liệu của các địa phương.

Nhằm nâng cao tính chính xác, mức độ tin cậy của thông tin, số liệu kết quả tự đánh giá của các địa phương, với vai trò là Cơ quan Thường trực hội đồng, ngày 10/3/2022, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường thành lập Tổ giúp việc rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do 01 đồng chí Lãnh đạo Tổng cục trực tiếp là Tổ trưởng; 10 thành viên là Thủ trưởng, Lãnh đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Tổng cục. Tổ giúp việc có nhiệm vụ rà soát, đối chiếu kết quả tự đánh giá theo từng chỉ số của địa phương với nội dung, phương pháp, phạm vi tính toán được quy định tại Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT, các công văn hướng dẫn của Bộ TN&MT và các nguồn thông tin, số liệu sau: (1) Số liệu đã được đánh giá, công bố năm 2020; (2) Số liệu các địa phương cung cấp tại Báo cáo công tác BVMT năm 2021; (3) Số liệu do các Bộ có liên quan cung cấp; (4) Số liệu có được trong công tác quản lý nhà nước của các đơn vị trực thuộc Tổng cục nhằm đánh giá tính chính xác, mức độ tin cậy về kết quả tự đánh giá của các địa phương. Đồng thời, Bộ đã ban hành Công văn số 1352/BTNMT-TCMT ngày 16/3/2022 gửi 06 Bộ (gồm: Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Xây dựng; Giao thông vận tải; Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị cung cấp số liệu theo ngành, lĩnh vực quản lý để phục vụ quá trình thẩm định số liệu của các địa phương và đề nghị cử người tham gia Hội đồng thẩm định của Bộ.

Căn cứ kết quả rà soát, đối chiếu nêu trên, ngày 21/4/2022, Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định (Tổng cục Môi trường) đã có Văn bản kèm theo Phiếu rà soát gửi tới 57/63 địa phương để đề nghị báo cáo, rà soát, cập nhật thêm thông tin, số liệu và cung cấp các tài liệu có liên quan để phục vụ đánh giá mức độ tin cậy, tính chính xác của kết quả tự đánh giá của địa phương, làm cơ sở báo cáo Hội đồng thẩm định xem xét, quyết định (có 06 địa phương thực hiện đúng hoàn toàn theo quy định, hướng dẫn, không cần cung cấp, làm rõ thêm thông tin).

Đến nay, Bộ TN&MT đã nhận được đầy đủ hồ sơ bổ sung đề nghị thẩm định của các tỉnh/thành phố và văn bản cung cấp thông tin, số liệu của các Bộ có liên quan để phục vụ công tác thẩm định kết quả thực hiện Bộ chỉ số.

Công tác tổ chức điều tra xã hội học năm 2021

Để đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống năm 2021 tại các địa phương, Bộ TN&MT đã có Công văn số 7258/BTNMT-TCMT ngày 30/11/2021 gửi Ban Thường trực Ủy ban TWMTTQ Việt Nam đề nghị phối hợp tổ chức điều tra xã hội học đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống năm 2021 (trong đó có gửi kèm theo mẫu Phiếu điều tra xã hội học).

Thực hiện nhiệm vụ, trong năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban TWMTTQ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban TWMTTQ Việt Nam các địa phương phát Phiếu điều tra xã hội học tại 63/63 địa phương trên cả nước. Hiện nay, đơn vị đầu mối của Ủy ban TWMTTQ Việt Nam đã tổng hợp, xử lý số liệu và hoàn thiện báo cáo điều tra xã hội học đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống các các địa phương.

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ này theo Chương trình phối hợp số 05/CTrPH-MTTW-BTNMT ngày 12/01/2021 giữa Bộ TN&MT và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025 và căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 64 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, Bộ TN&MT đã có Công văn số 2182/BTNMT-TCMT ngày 27/4/2022 gửi Ban Thường trực Ủy ban TWMTTQ Việt Nam mời tham gia đánh giá kết quả công tác BVMT của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Căn cứ hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh/thành phố đã lựa chọn địa bàn điều tra và tổ chức hướng dẫn, triển khai việc phát phiếu điều tra theo thành phần, tỷ lệ quy định; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cơ sở, Ban công tác Mặt trận khu dân cư phối hợp tổ chức điều tra theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trực tiếp. Thông tin cụ thể về điều tra xã hội học đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống năm 2021 tại các tỉnh/thành phố như sau:

Đối tượng điều tra xã hội học là người dân theo các độ tuổi, thành phần nghề nghiệp khác nhau đang sinh sống, làm việc, học tập, lưu trú tại tỉnh/thành phố. Trong đó, dự kiến cơ cấu theo thành phần nghề nghiệp như sau: Nông dân (khoảng 35%); công nhân (khoảng 25%); kinh doanh, dịch vụ (khoảng 20%); công chức, viên chức (khoảng 10%); hưu trí (khoảng 10%); học sinh, sinh viên (khoảng 5%).

Phiếu điều tra xã hội học gồm các câu hỏi có sẵn phương án trả lời để đối tượng điều tra lựa chọn. Câu hỏi của Phiếu điều tra xã hội học thể hiện nội dung của các tiêu chí đo lường sự hài lòng, đồng thời phản ánh quá trình, kết quả bảo vệ chất lượng môi trường sống, sự mong đợi của người dân về chất lượng môi trường sống của tỉnh/thành phố. Nội dung chi tiết mẫu phiếu tại Phụ lục của báo cáo tổng hợp số liệu điều tra xã hội học được gửi kèm theo tài liệu.

Trên cơ sở thông tin thu thập từ phiếu điều tra xã hội học sẽ tiến hành tổng hợp, phân tích các dữ liệu thống kê trên phần mềm thống kê số liệu điều tra xã hội học. Chỉ số tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chất lượng môi trường sống được tính theo tỷ lệ phần trăm số phương án trả lời ở mức hài lòng và rất hài lòng về chất lượng môi trường của tỉnh/thành phố so với tổng số phương án mà người dân tham gia trả lời Phiếu điều tra.

Kết quả điều tra xã hội học phản ánh được cơ cấu, thành phần điều tra về độ tuổi, giới tính, nơi sống, học vấn, nghề nghiệp; tỷ lệ hài lòng của người dân tỉnh/thành phố về chất lượng môi trường trên địa bàn đối với từng tiêu chí và toàn bộ tiêu chí đánh giá; điểm số đạt được về sự hài lòng của người dân tỉnh/thành phố về chất lượng môi trường; những mong muốn/ưu tiên lựa chọn của người dân đối với chính quyền tỉnh/thành phố trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống trong thời gian tới.

Về kết quả phiếu điều tra xã hội học hợp lệ thu về được tổng hợp, tính đến ngày 30/3/2022, Bộ TN&MT đã nhận được phiếu điều tra của Ban Thường trực Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, với tỷ lệ đạt 100% so với kế hoạch trên cơ sở tổng hợp phiếu điều tra và danh sách trả lời phiếu của các đối tượng điều tra xã hội học do Ủy ban TWMTTQ 63/63 tỉnh gửi về theo quy định. Qua kết quả điều tra xã hội học, Ban Tuyên giáo, Ủy ban TWMTTQ Việt Nam đã  hoàn thiện báo cáo phân tích, đánh giá kết quả điều tra xã hội học về đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, người dân về chất lượng môi trường sống gửi Bộ TN&MT. Kết quả tổng hợp phiếu đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống năm 2021 đối với các địa phương được thể hiện cụ thể tại mục III phần B của báo cáo này.

Sau khi kết thúc việc thẩm định, Bộ TN&MT sẽ công bố, công khai kết quả BVMT năm 2021 của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Đánh giá kết quả bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của Bộ TN&MT, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh/thành phố trong công tác BVMT và đã được quy định tại Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện đánh giá, công bố kết quả Bộ chỉ số để bảo đảm thực chất, khách quan, hiệu quả góp phần nâng cao kết quả thực hiện quản lý nhà nước, phát huy vai trò của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian tới./.

Nguồn: Monre.gov.vn

Liên kết