Hội thảo Cải thiện chất lượng không khí: Cập nhật nghiên cứu và giải pháp ở Viêt Nam
09/09/2020 08:48:00
Ngày 07 tháng 9 , tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), số 10 Tôn Thất Thuyết, thành phố Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Cải thiện chất lượng không khí: “Cập nhật nghiên cứu và giải pháp ở Viêt Nam"

nhằm đánh giá hiện trạng và nghiên cứu các giải pháp nhằm quản lý và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam.
          Tham dự Hội thảo, về phía Tổng cục Môi trường có ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường. Về phía các tổ chức quốc tế, phi chính phủ: có bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện World Bank tại Việt Nam; bà Đỗ Vân Nguyệt, đại diện tổ chức Live&Learn. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp ý kiến và báo cáo các kết quả nghiên cứu về ô nhiễm không khí, các chính sách quản lý và giải pháp cải thiện chất lượng không khí trong nước và kinh nghiệm thế giới bằng hình thức báo cáo trực tiếp và thông qua hình thức trực tuyến.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức phát biểu K​hai mạc Hội thảo

            Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết “Qua kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường trong giai đoạn 2010 đến năm 2016, chất lượng môi trường không khí khá tốt, tuy nhiên từ năm 2018 đến nay chất lượng môi trường không khí có chiều hướng suy giảm, do vậy việc tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để cải thiện chất lượng môi trường nói chung và chất lượng môi trường không khí nói riêng đang là vấn đề cấp thiết, được Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường rất quan tâm, chú trọng".
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày nhiều kết quả nghiên cứu chuyên sâu về chất lượng không khí tại một số tỉnh, thành phố như nghiên cứu xác định thành phần nguồn phát thải khu vực Hà Nội 2019-2020; tích hợp các nghiên cứu vào trong quy trình Xây dựng kế hoạch không khí sạch cho một số tỉnh thành phía Nam; một số kết quả nghiên cứu về nồng độ Black Carbon ở Việt Nam; các chính sách quản lý ô nhiễm không khí và giải pháp cải thiện chất lượng không khí trong nước và kinh nghiệm thế giới; tỷ lệ đóng góp của các nguồn ngoài Hà Nội và Ứng dụng mô hình GAINS tại Việt Nam. Đồng thời, tại Hội thảo, các nhà khoa học, đại biểu tham dự cũng góp ý các giải pháp cụ thể và kế hoạch cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn như tăng cường, đẩy mạnh công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo môi trường; mở rộng công tác nghiên cứu về chất lượng môi trường không khí,…

          Sau khi nghe kết quả nghiên cứu chuyên sâu về chất lượng không khí của các chuyên gia trong và ngoài nước,  Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện World Bank tại Việt Nam cho biết việc quản lý chất lượng môi trường không khí hiện nay rất quan trọng không chỉ tại Việt Nam mà đối với nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, World Bank đã phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức tiến hành nghiên cứu về thực trạng chất lượng môi trường không khí tại một số địa phương tại Việt Nam và đề xuất nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trong ngắn hạn và dài hạn đối với từng thực trạng môi trường các vùng ở Việt Nam. Đồng tình với quan điểm trên, bà Đỗ Vân Nguyệt, đại diện tổ chức Live&Learn cho rằng việc nghiên cứu các thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí rất quan trọng. Trong thời gian qua, Live&Learn cũng đã phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam triển khai nhiều dự án nhằm đánh giá, cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam như kiểm soát khí thải xe máy; đánh giá việc sử dụng bếp than, đốt rơm rạ tại nhiều vùng nông thôn đến chất lượng môi trường không khí tại khu vực,...
Trước các ý kiến góp ý tâm huyết, sâu sắc, cụ thể của các nhà khoa học, các đại biểu tham dự Hội thảo, đại diện Tổng cục Môi trường trân trọng cảm ơn, ghi nhận, đây chính là cơ sở để Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường tham mưu, đề xuất các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác BVMT nói chung và quản lý chất lượng môi trường không khí nói riêng trong thời gian tới./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

 

Liên kết