Chất lượng không khí tháng 12/2019
03/01/2020 11:03:00
Trong tháng 12/2019, chất lượng không khí ở một số đô thị khu vực miền Bắc và miền Nam tiếp tục có những diễn biến xấu, trong đó, đợt cao điểm ô nhiễm diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 07-14/12 có mức độ khá nghiêm trọng.

Số liệu quan trắc cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu gây ra bởi bụi mịn PM2.5, các thông số còn lại (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn có giá trị đạt tiêu chuẩn cho phép quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.

Các thành phố ở khu vực miền Bắc có giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất. Trong đợt cao điểm (từ ngày 07-14/12) đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 cao nhất, vượt QCVN 05:2013/BTNMT lên tới 2,8 lần tại Hà Nội. Tại một số thành phố khác như Việt Trì, Hạ Long, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 trong không khí cũng tăng cao vượt QCVN. Bên cạnh đợt cao điểm (từ ngày 07-14/12) cũng ghi nhận một số khoảng thời gian ô nhiễm ngắn với giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt QCVN.

Tại các thành phố ở khu vực miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa), giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 về cơ bản vẫn đạt QCVN. Tuy nhiên, đã có một số ngày ghi nhận giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt QCVN. Tại Tp. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận một số ngày có giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 vượt QCVN.

Biểu đồ 1. Diễn biến giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 trong tháng 12/2019

Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày cho thấy, tại các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày trong tháng có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỷ lệ khá cao; trong một số ngày đã ghi nhận chất lượng không khí ở mức xấu. Cụ thể, đối với Hà Nội, tỷ lệ số ngày có AQI ở mức trung bình chiếm 29%; mức kém chiếm 48,4% và mức xấu 22,6%. Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) có tỷ lệ số ngày AQI ở mức tốt chiếm 11,5%; mức trung bình 46,2%; mức kém 26,9% và mức kém 15,4%. Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có tỷ lệ số ngày AQI ở mức tốt chiếm 4,8%; mức trung bình 47,6%, mức kém 42,9% và mức xấu 4,8%.

Tại các đô thị khu vực miền Trung, chất lượng không khí phổ biến ở mức tốt và trung bình. Cụ thể, Thành phố Huế có tỷ lệ số ngày có AQI mức tốt 67,7%; mức trung bình 29% và mức kém 3,2%. Thành phố Đà Nẵng có tỷ lệ AQI ngày mức tốt 74,2%; mức trung bình 22,6% và mức kém 3,2%.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, chất lượng không khí phổ biến ở mức trung bình (83,9%), mức tốt 3,2% và mức kém 12,9%.

Biểu đồ 2: Diễn biến chỉ số AQI ngày trong tháng 12/2019 tại một số thành phố

Tại Hà Nội, trong tháng 12, ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng cả về số ngày và mức độ nghiêm trọng so với tháng 11. Trong hầu hết các ngày, giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 đo được tại các trạm quan trắc đều vượt QCVN, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ ngày 11-14/12 (biểu đồ 3).

Biểu đồ 3: Diễn biến giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM2.5 tại Hà Nội tháng 12/2019

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm quan trắc trong tháng 12 cho thấy, hầu hết giá trị AQI ngày ở mức kém (AQI>100). Trong đợt cao điểm ô nhiễm (từ ngày 8-14/12), hầu hết giá trị AQI tại các trạm ở mức xấu (AQI >150) và đã ghi nhận giá trị AQI ngày ở mức rất xấu (AQI>200) (biểu đồ 4).

Biểu đồ 4: Diễn biến chỉ số AQI ngày tháng 12/2019 tại các trạm quan trắc ở Hà Nội

Kết quả tính toán AQI giờ (đánh giá chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại các trạm, tỷ lệ số giờ có chỉ số AQI mức tốt là 4,5%, mức trung bình 28,4%; mức kém 36,5%, mức xấu 25,2% và mức rất xấu 5,3%. Mức rất xấu (AQI >200) tập trung vào các ngày từ 10-14/12.

Bảng 1: Tỉ lệ các mức giá trị AQI giờ các trạm tại Hà Nội trong tháng 12/2019

AQI giờ Số giờ Tốt Trung bình Kém Xấu Rất Xấu Nguy Hại
Tên trạm Số giờ Tỉ lệ (%) Số giờ Tỉ lệ (%) Số giờ Tỉ lệ (%) Số giờ Tỉ lệ (%) Số giờ Tỉ lệ (%) Số giờ Tỉ lệ
Hoàn Kiếm 744 22 3.0 209 28.1 315 42.3 173 23.3 25 3.4 0 0.0
Thành Công 744 7 0.9 190 25.5 292 39.2 215 28.9 40 5.4 0 0.0
Tâm Mai 744 52 7.0 278 37.4 282 37.9 118 15.9 14 1.9 0 0.0
Kim Liên 744 56 7.5 285 38.3 257 34.5 136 18.3 10 1.3 0 0.0
Phạm Văn Đồng 744 0 0.0 162 21.8 272 36.6 248 33.3 62 8.3 0 0.0
Tây Mỗ 744 38 5.1 247 33.2 301 40.5 148 19.9 10 1.3 0 0.0
Mỹ Đình 744 27 3.6 223 30.0 315 42.3 159 21.4 20 2.7 0 0.0
Hàng Đậu 744 0 0.0 166 22.3 227 30.5 292 39.2 59 7.9 0 0.0
Chi cục BVMT 744 35 4.7 195 26.2 281 37.8 182 24.5 51 6.9 0 0.0

Minh Khai

(Bắc Từ Liêm)

744 5 0.7 159 21.4 264 35.5 245 32.9 71 9.5 0 0.0
ĐSQ Pháp 744 42 5.6 216 29.0 267 35.9 161 21.6 55 7.4 3 0.4

ĐSQ Mỹ

(19/21 Hai Bà Trưng)

744 33 4.4 192 25.8 250 33.6 194 26.1 72 9.7 3 0.4
556 NVC 698 108 15.5 207 29.7 198 28.4 160 22.9 25 3.6 0 0.0
Trung bình Hà Nội     4.5   28.4   36.5   25.2   5.3   0.06

 

Biểu đồ 5: Tỷ lệ các mức AQI giờ các trạm tại Hà Nội trong tháng 12/2019

Trong đợt cao điểm ô nhiễm, khoảng thời gian ghi nhận giá trị AQI giờ ở mức kém đến rất xấu thường tập trung khoảng từ 22 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau. Đây là khoảng thời gian lặng gió và thuận lợi cho hiện tượng nghịch nhiệt, điều này làm tích tụ các chất ô nhiễm trong không khí xuống tầng sát mặt đất.

​Biểu đồ 6: Diễn biến AQI giờ trung bình các trạm tại Hà Nội ngày 9-12/12/2019

Môi trường không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam đã bị ô nhiễm bởi thông số bụi PM2.5 ở các mức độ khác nhau, trong đó, Thành phố Hà Nội có giá trị PM2.5 đo được là cao nhất, còn của Thành phố Huế là thấp nhất. Thành phố Hà Nội cũng như miền Bắc của Việt Nam đang trong thời gian mùa đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí - trong đó có PM2.5 - thường cao nhất trong năm. Người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao nên sử dụng khẩu trang chống bụi và hạn chế các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ.

Liên kết